Dinh dưỡng cho người bị sốt xuất huyết

1. Mục đích của việc dùng chế độ dinh dưỡng khi bị sốt xuất huyết

– Hạn chế mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng như buồn nôn, nôn,…

– Hỗ trợ cải thiện tình trạng rối loạn dung nạp thức ăn

– Ngăn ngừa các biến chứng nặng có thể xảy ra như xuất huyết tiêu hóa, mất nước,…

– Cải thiện tiểu cầu và giải độc cơ thể người bệnh.

– Nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho người bệnh sốt xuất huyết.

Trong đó, có hai mối quan tâm hàng đầu trong quá trình điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết là theo dõi sát sao lượng tiểu cầu và bù dịch, bù điện giải cho người bệnh kịp thời. Biết được nên ăn những gì và những không nên ăn những gì khi bị sốt xuất huyết là rất quan trọng. Bởi một chế độ ăn uống đầy đủ và đúng cách là cách tốt nhất để giúp cơ thể chống chọi và mau chóng phục hồi.

Một chế độ ăn uống đầy đủ và đúng cách là cách tốt nhất để giúp cơ thể chống chọi và mau chóng phục hồi.

2. Khi mắc sốt xuất huyết nên ăn uống như nào?

Chế độ ăn uống cho người bệnh sốt xuất huyết sẽ tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh như sau:

– Giai đoạn đầu khi người bệnh bị sốt cao thì nên ăn lỏng.

– Khi đến giai đoạn cơn sốt giảm dần và người bệnh phục hồi thì chuyển qua chế độ ăn nhẹ.

– Khi người bệnh hồi phục thì ăn uống chế độ bình thường, đồng thời bổ sung đủ dinh dưỡng để sức khỏe trở lại bình thường.

Trong thời gian đầu mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường sốt cao, mệt mỏi, đau người, nhức đầu nên không cảm thấy muốn ăn bất cứ thứ gì. Người bệnh ở giai đoạn này hay buồn nôn, nôn mửa và cơ thể suy nhược. Do vậy chế độ ăn lỏng, mềm sẽ phù hợp cho người bệnh vì nó dễ tiêu hóa, hấp thu hơn thức ăn đặc, cứng.

Nên cho người bệnh ăn một lượng nhỏ và chia nhiều bữa trong ngày. Chế độ ăn lỏng cũng giúp cung cấp nhiều nước giúp bù lại lượng nước mất đi khi sốt cao. Uống nhiều nước tại thời điểm này là điều vô cùng cần thiết.

3. Chế độ dinh dưỡng đúng cách và hiệu quả khi mắc sốt xuất huyết

Chế độ dinh dưỡng chỉ là một phần giúp hỗ trợ quá trình điều trị sốt xuất huyết tốt hơn. Tuy nhiên mỗi người sẽ có một chế độ ăn khác nhau do thể trạng khác nhau. Chính vì thế người bệnh khi thấy xuất hiện các dấu hiệu sốt xuất huyết thì cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và đồng thời được tư vấn chi tiết hơn về các thực phẩm bổ sung phù hợp.

3.1. Uống nhiều nước

Người bệnh khi sốt cao sẽ khiến cơ thể mất nước, do vậy cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi.

Có thể uống nước lọc hoặc nước oresol nhiều lần trong ngày giúp bù điện giải. Cần lưu ý theo dõi màu sắc nước tiểu có trong hay không để bù nước kịp thời.

Nước dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng, cung cấp chất điện giải tự nhiên nên phù hợp cho ai bị mất nước nghiêm trọng. Đồng thời nước dừa cũng cung cấp chất dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sau khi sốt xuất huyết.

Người sốt xuất huyết cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi.

3.2. Thực phẩm giàu vitamin C

Các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, ổi,…giúp chống oxy hóa rất tốt, nhanh chóng giúp cơ thể hồi phục sau khi sốt xuất huyết. Thực phẩm giàu vitamin C là một lựa chọn không thể thiếu dành cho những bệnh nhân đang bị sốt xuất huyết.

3.3. Nên ăn sữa chua

Sữa chua có chứa các lợi khuẩn giúp hỗ trợ tiêu hóa và cân bằng vi khuẩn trong ruột. Nó giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và khả năng chống viêm.

Hơn nữa sữa chua còn giúp hệ vi khuẩn đường ruột luôn khỏe mạnh từ đó giúp chống lại virus và nhiễm trùng do vi khuẩn.

3.4. Nên ăn nhiều trái cây

Hãy bổ sung các loại trái cây tươi như chuối, táo, cam quýt và ổi vì chúng giúp bổ sung rất nhiều khoáng chất và vitamin bị mất trong quá trình sốt cao. Trái cây cũng cung cấp năng lượng để chống lại sự mệt mỏi do nhiễm trùng gây ra. Người bệnh có thể dùng dưới dạng nước ép trái cây tươi cho dễ uống.

Trong đó lựu là một loại trái cây tuyệt vời để kiểm soát các triệu chứng sốt xuất huyết. Bởi lựu có tác dụng tăng lượng máu và giúp phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

Trái cây giúp cung cấp năng lượng để chống lại sự mệt mỏi do nhiễm trùng gây ra.

3.5. Súp rau củ

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn hoặc khó ăn. Hãy chế biến món súp rau củ bổ dưỡng và giàu protein thêm vào chế độ ăn uống của người bệnh. Có thể thêm nấm hoặc đậu nành để làm giàu protein. Một bữa ăn đầy đủ protein, năng lượng, chất xơ và khoáng chất sẽ giúp người bệnh mau khỏe hơn.

3.6. Không nên kiêng quá nhiều các loại thức ăn như trứng, thịt gà và cá

Người bệnh sốt xuất huyết phải thực hiện chế độ ăn giàu protein giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Vì vậy, những lời khuyên không nên ăn đồ tanh như cá, trứng là không có cơ sở chính xác. Những thực phẩm này giúp cung cấp cho cơ thể lượng chất để chống chọi lại tác nhân gây nhiễm trùng.

Người bệnh sốt xuất huyết phải thực hiện chế độ ăn giàu protein giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.

3.7. Tránh các thức ăn dầu mỡ và cay

Một điều quan trọng khác người bệnh cần lưu ý khi mắc bệnh sốt xuất huyết là virus có thể khiến hệ tiêu hóa của bạn yếu đi. Do đó điều quan trọng là bạn cần phải tránh các thức ăn cay và dầu mỡ trong thời gian bị nhiễm bệnh.

3.8. Tránh thực phẩm có màu đen, đỏ hoặc sẫm màu

Một số thực phẩm sẫm màu như củ dền, thanh long đỏ… người bệnh không nên ăn khi mắc sốt xuất huyết. Bởi vì trong thời gian bị bệnh sẽ có xuất huyết tiêu hóa, nếu người bệnh sử dụng những thực phẩm này thì khi nôn hoặc đi ngoài sẽ rất khó phân biệt với hiện tượng xuất huyết. Đồng thời gây khó khăn cho bác sĩ khi chẩn đoán.

Trên đây là chế độ dinh dưỡng đúng cách và hiệu quả khi mắc sốt xuất huyết. Khi chăm sóc người bệnh cần theo dõi sát trạng thái bệnh nhân. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *