Hướng dẫn giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia

Suckhoedoisong.vn – Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu “Hướng dẫn sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng”.

Tài liệu này được áp dụng tại cộng đồng, cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và các cơ sở y tế có liên quan khác trong cả nước. Mục đích của Hướng dẫn này nhằm giúp nhân viên y tế đánh giá, phát hiện sớm người có nguy cơ sức khỏe hoặc rối loạn, bệnh tật do uống rượu, bia gây ra từ đó có các biện pháp tư vấn, hướng dẫn và can thiệp ban đầu để dự phòng, giảm thiểu các nguy cơ và tác hại đối với sức khỏe do uống rượu, bia.

Theo Hướng dẫn, uống rượu, bia gây nhiều tác hại đến sức khoẻ con người, gia đình, cộng đồng, gây mất an toàn giao thông, mất trật tự và an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế và các vấn đề xã hội khác.

Rượu, bia là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích như được mô tả trong Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan của Tổ chức Y tế thế giới lần thứ 10 (ICD10). Một số bệnh và thương tích chính do uống rượu, bia gây ra gồm:

Ung thư: Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp rượu, bia là chất gây ung thư thuộc Nhóm I, tức là có nguy cơ cao gây ung thư tương tự như thuốc lá, amiang hay bức xạ ion hóa. Uống rượu, bia là nguyên nhân liên quan trực tiếp tới ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại – trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.

Bệnh tim mạch: làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý như đột quỵ, suy tim, tăng huyết áp và phình động mạch chủ.

Bệnh hệ tiêu hóa: gây tổn thương gan (gan nhiễm mỡ do rượu, viêm gan cấp do rượu…), xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do vi rút viêm gan C và B, viêm tụy cấp tính và mạn tính, các bệnh lý tại thực quản, dạ dày,…

Rối loạn tâm thần: làm suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy, lo âu, trầm cảm, loạn thần, kích động, tự sát…

Các rối loạn và bệnh lý khác: gây lão hóa sớm, suy giảm miễn dịch, hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai, trẻ đẻ ra nhẹ cân.

Thương tích: uống rượu, bia là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và gây thương tích không chủ ý và cố ý khác.

Các vấn đề về xã hội: ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ gia đình, giảm hoặc mất khả năng làm việc, mất việc làm, bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, các vấn đề liên quan đến pháp luật…

Để áp dụng can thiệp tại cộng đồng, việc đánh giá nguy cơ do uống rượu, bia dựa theo hướng dẫn trong bộ công cụ sàng lọc AUDIT (Alcohol Use Disorder Identification Test – Công cụ xác định rối loạn do sử dụng rượu, bia) của Tổ chức Y tế thế giới. Khi trả lời 10 câu hỏi của bộ công cụ AUDIT một người có thể có tổng điểm từ 0 đến tối đa là 40.

Dựa vào điểm số để phân loại thành 4 mức độ nguy cơ do uống rượu, bia gồm: Uống rượu, bia ở mức nguy cơ thấp; Uống rượu, bia ở mức nguy cơ cao; Uống rượu, bia ở mức nguy cơ rất cao; Nguy cơ lệ thuộc/nghiện rượu, bia.

Không nên uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa.

Hướng dẫn cũng đưa ra Bộ công cụ, quy trình thực hiện sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người uống rượu bia, cụ thể gồm: Bộ câu hỏi sàng lọc nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia; Quy trình thực hiện sàng lọc, can thiệp giảm tác hại cho người uống rượu, bia bao gồm 4 bước:

Bước 1 – Tiếp xúc, gặp gỡ đối tượng được sàng lọc

Bước 2 – Tiến hành phỏng vấn bằng bộ câu hỏi sàng lọc

Bước 3 – Phân loại mức độ nguy cơ

Bước 4 – Thực hiện can thiệp giảm tác hại

Thực hiện can thiệp giảm tác hại cho người uống rượu, bia theo các nhóm nguy cơ:

Nhóm nguy cơ 1: Truyền thông nâng cao nhận thức

Nhóm nguy cơ 2: Giáo dục nhận thức và hướng dẫn

Nhóm nguy cơ 3: Thực hiện tư vấn nhanh

Nhóm nguy cơ 4: Giới thiệu chuyển đến cơ sở y tế

Nguồn : https://suckhoedoisong.vn/

Phòng bệnh hô hấp cho người cao tuổi trong mùa lạnh

Suckhoedoisong.vn – Người cao tuổi (NCT) mọi chức năng cơ thể đều suy giảm, trong đó sức đề kháng cũng giảm thì bệnh tật có thể tấn công dễ dàng, nhất là các bệnh gây ra bởi vi sinh vật (virus, vi khuẩn, vi nấm). Sự yếu kém trong việc tự bảo vệ của NCT càng rõ nét mỗi khi thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa lạnh. Bệnh mà NCT dễ mắc phải trong mùa lạnh là bệnh đường hô hấp.

Các bệnh đường hô hấp NCT thường gặp

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến NCT mắc bệnh, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là sự thay đổi thời tiết làm tái phát các bệnh mạn tính của hệ hô hấp, các yếu tố ô nhiễm môi trường, các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng răng miệng… đặc biệt các bệnh do tuổi tác như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận… làm hệ miễn dịch cơ thể suy yếu khiến dễ mắc bệnh hô hấp.

Viêm mũi họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào mùa lạnh NCT hay gặp nhất gây nên hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước; đau rát họng gây ho, tức ngực, có khi gây khó thở.

Viêm họng mạn tính kéo dài (thường gọi là viêm họng hạt), hoặc viêm mũi mạn tính rát. Khi thời tiết thay đổi đều có khả năng tái phát. NCT vào mùa lạnh còn hay mắc viêm phế quản, phổi.

Một điều cần lưu ý là viêm phế quản, viêm phổi cấp tính ở NCT do lạnh thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi, nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm, do đó dễ dẫn đến bệnh nặng, đến khi vào bệnh viện thì bệnh đã rất nặng.

Một số người có bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì vào mùa lạnh bệnh rất dễ tái phát, dễ xuất hiện các biến chứng. Yếu tố thuận lợi gây bệnh trước hết phải kể đến người nghiện hút thuốc lá, thuốc lào, khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các nhu mô phổi (tổ chức phổi) do đó làm tăng nguy cơ bội nhiễm.

Môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, khói của bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật chội, không thông thoáng cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho NCT dễ mắc các bệnh đường hô hấp, nhất là vào mùa lạnh. Một số bệnh mạn tính kéo dài ở NCT như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa lạnh ở NCT.

NCT dễ mắc viêm mũi họng khi trời lạnh.

NCT dễ mắc viêm mũi họng khi trời lạnh.

Dấu hiệu nhận biết

Đa số NCT khi mắc các bệnh đường hô hấp không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, điển hình: Sốt – có thể không sốt hoặc sốt không cao; Ho – ho ít, ho húng hắng kèm theo khả năng ho khạc đờm kém nên rất dễ bỏ sót. Ngoài ra, còn có một số biểu hiện lâm sàng khác: chảy nước mũi, đau ngực, rét run, khó thở,… Một số người bệnh thậm chí chỉ có biểu hiện rối loạn ý thức, chậm chạp, lú lẫn…

Do tuổi cao, khi NCT sốt không cao, ho khạc đờm kém, nên khi mắc viêm phổi cũng khó phát hiện, dễ bỏ sót kèm theo NCT thường đi khám bệnh muộn, khi bệnh đã nặng, có các dấu hiệu: viêm phổi nặng, suy hô hấp, rối loạn tâm thần…

Phòng bệnh thế nào?

Việc giữ ấm cho cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh, nhiệt độ thấp kèm với độ ẩm cao khiến cơ thể người già rất dễ bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm đường hô hấp. Thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, đôi bàn chân; không nên đi xa, không đi chơi khuya, nhất là những ngày trời rét, cần tránh ra ngoài. Đặc biệt là không ra ngoài trời khi vừa uống rượu, bia… để đề phòng cảm lạnh. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc lạnh vừa chuyển sang rét đậm thì NCT nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm.

Duy trì nề nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi. Có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh, nhất là lúc đang có gió mùa. Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý (có thể tự pha chế).

Về ăn uống, nên ăn đúng bữa; tránh quá bữa, bỏ bữa nhưng cũng không ăn quá nhiều bữa; dù ngon miệng cũng chỉ nên ăn no vừa phải, nên giảm khối lượng thức ăn, chỉ nên ăn no bụng từ 70-80%. Một bữa ăn quá no như một “stress tiêu hóa” có thể gây ra những hậu quả xấu.

Người có bệnh tim mạch, nếu ăn quá no sẽ làm máu dồn nhiều về dạ dày để tăng cường tiêu hóa thức ăn dẫn đến thiếu máu cục bộ ở cơ tim và não bộ làm phát sinh các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, gây mất ngủ, nhức đầu, ù tai, chóng mặt, giảm độ tập trung chú ý, thậm chí gây đột quỵ nếu có tình trạng thiểu năng tuần hoàn trước đó.

Chất lượng bữa ăn nên tăng cường nhiều đạm, đường như: thịt lợn nạc, gà, bò, tôm, cua, trứng, sữa… Đặc biệt lưu ý, NCT không nên ăn thịt mỡ, thịt đông, các loại giò chả, xúc xích, bánh kẹo, bia rượu, nước ngọt.

Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào, nhất là những NCT đã bị các bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang. Bên cạnh đó, những người già đã có tiền sử bệnh tăng huyết áp, cần uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Mùa lạnh, NCT cũng cần tắm, rửa hàng ngày hoặc vài lần/tuần

https://suckhoedoisong.vn/

Cách kiểm soát cholesterol xấu và tốt

Suckhoedoisong.vn – Cholesterol không phải đều xấu. Trên thực tế, cholesterol là một chất béo thiết yếu. Nó cung cấp sự ổn định trong mọi tế bào của cơ thể.

Trong cơ thể con người có 2 loại lipoprotein mang cholesterol đến và đi từ tế bào. Một loại là lipoprotein tỷ trọng thấp, hay còn gọi là LDL, loại còn lại là lipoprotein tỷ trọng cao, chính là HDL. Thông thường sẽ phải làm xét nghiệm máu để định lượng các thành phần này.

Để di chuyển trong máu, cholesterol phải được vận chuyển bởi các phân tử trợ giúp gọi là lipoprotein. Mỗi lipoprotein có định tính riêng về cholesterol và mỗi loại hoạt động khác nhau với cholesterol mà nó chuyên chở.

HDL-cholesterol tốt

HDL là viết tắt của lipoprotein tỷ trọng cao. Mỗi hạt cholesterol HDL là một đốm màu siêu nhỏ bao gồm một vành lipoprotein bao quanh một tâm cholesterol. Hạt cholesterol HDL đậm đặc so với các loại hạt cholesterol khác, vì vậy nó được gọi là tỷ trọng cao.

HDL-cholesterol tốt, hoạt động giống như người quét đường, thu dọn LDL ra khỏi các động mạch và đưa về gan, nơi mà LDL sẽ bị phân hủy và tống ra ngoài cơ thể. Nhưng HDL không loại bỏ hoàn toàn LDL, chỉ 1/4 đến 1/3 cholesterol trong máu bị HDL mang đi. Mức HDL khỏe mạnh có thể bảo vệ cơ thể trước nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Ngược lại lượng HDL thấp làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

HDL làm giảm, tái sử dụng và tái chế LDL bằng cách vận chuyển nó đến gan, nơi nó có thể được xử lý lại. HDL hoạt động như một đội bảo trì cho các bức tường bên trong (nội mạc) của các mạch máu. Tổn thương các bức tường bên trong là bước đầu tiên trong quá trình xơ vữa động mạch, gây ra các cơn đau tim và đột quỵ. HDL chà tường sạch sẽ và giữ cho nó khỏe mạnh.

Các hoạt động thể chất giúp tăng lượng cholesterol tốt. Ảnh: TM

Các hoạt động thể chất giúp tăng lượng cholesterol tốt. Ảnh: TM

Nên làm gì nếu HDL thấp?

Trong trường hợp lượng HDL thấp, người bệnh sẽ thực hiện nhiều bước để tăng mức HDL và giảm nguy cơ bệnh tim như sau:

Tập thể dục: Các hoạt động thể chất giúp tăng lượng HDL. Hãy tập các bài tập vừa sức ít nhất 30 phút/ngày.

Giữ cân nặng khỏe mạnh: Bên cạnh việc cải thiện mức HDL, kiểm soát cân nặng, không để thừa cân béo phì để giảm nguy cơ các bệnh tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều HDL trong thực vật, các loại hạt và cá như cá hồi hoặc cá ngừ.

Cai thuốc lá, vì thuốc lá làm giảm HDL, khi ngừng hút, lượng HDL có thể tăng lên

LDL-cholesterol xấu

Nếu cơ thể bị tăng LDL, nghĩa là có quá nhiều LDL trong máu. Phần LDL dư thừa này, cùng với một số chất khác, tạo thành mảng bám. Những mảng bám này tụ trên thành động mạch, gọi là xơ vữa động mạch.

Bệnh mạch vành xảy ra khi mảng bám tích tụ trong thành các động mạch của tim, khiến các động mạch càng lúc càng xơ chai và hẹp lại. Lúc này, máu lưu thông sẽ bị hạn chế hoặc bị nghẽn. Bởi tim nhận oxy từ máu, tình trạng này làm tim không nhận đủ lượng oxy. Vấn đề này có thể gây ra chứng đau thắt ngực, hoặc khi dòng máu bị tắc hoàn toàn sẽ gây nhồi máu cơ tim.

Khi LDL cao nên kiêng ăn gì?

Nên ăn giảm lượng muối xuống dưới 5g/ngày bằng cách hạn chế sử dụng muối trong nấu ăn; chọn những thực phẩm tươi, tránh thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.

Người bị mỡ máu cao cần hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đồ uống có cồn. Hạn chế sử dụng đồ uống, thực phẩm chứa đường, đặc biệt là nước ngọt. Tránh hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với thuốc lá.

Cần chú ý hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là não, bầu dục, gan, nội tạng động vật. Không nên ăn nhiều trứng, do lòng đỏ trứng rất giàu cholesterol. Người bệnh cần giảm thiểu hàm lượng thịt đỏ trong bữa ăn vì đây là một trong những loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao. Ngoài ra, cũng nên hạn chế các loại thịt mỡ, thịt có gân, da động vật…

Chất béo no không chỉ làm tăng hàm lượng cholesterol mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó, cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa chất béo no như mỡ, bơ, nước luộc thịt trong khẩu phần ăn của bệnh nhân mỡ máu.

Hạn chế ăn tối muộn: Tối muộn là thời điểm năng lượng tiêu hao ít nhất trong ngày. Việc ăn tối quá muộn có thể khiến hàm lượng cholesterol nạp vào không kịp tiêu hóa, đọng lại tại thành động mạch. Tình trạng này lâu ngày có thể gây xơ vữa động mạch. Vì vậy, nên sắp xếp thời gian ăn tối sớm, kết hợp tập thể dục điều độ để hàm lượng chất béo nạp vào cơ thể bị tiêu hao.

https://suckhoedoisong.vn/

Sau tuổi 50, đây là cách tự kiểm tra có thuộc nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ

Suckhoedoisong.vn – Ít người bệnh biết rằng: Thời gian là não nghĩa là: nếu bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ, việc tiết kiệm được từng giây, từng phút trong cấp cứu đột quỵ là rất quan trọng. Vì cứ 1 phút trôi qua có 2 triệu tế bào thần kinh mất đi. Nếu để lỡ cấp cứu đột quỵ sau 1-2 giờ thì coi như “hỏng” . Bạn không thể khôi phục bình thường như trước khi đột quỵ. Chính vì thế, từ sau tuổi 50, hãy tự kiểm tra chính mình có thuộc nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ hay không.

Ai cũng từng trải qua một vài lần xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân trong đời. 30 tuổi, bạn đổ cho thức khuya thiếu ngủ, stress đau đầu. 40 tuổi, bạn nghĩ cơn choáng nhẹ do ăn kiêng tụt đường huyết, tê chân do đau dây thần kinh tọa mà đến. Song tới một ngày qua tuổi 50, đột quỵ đoạt mạng sẽ sớm gõ cửa nếu tiếp tục chủ quan.

Thời trẻ “xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân” có thể tự khỏi sau vài phút, sau 50 tuổi thì chóng mặt có thể là triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu lơ là bỏ qua. (Ảnh minh họa)

Điều gì diễn ra sau tuổi 50?

“Xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân” là dấu hiệu cơn thiếu máu não thoáng qua do cục máu đông làm tắc nghẽn lòng mạch và giảm lưu lượng máu đến não tạm thời. Ở tuổi 30, động mạch còn dẻo dai sẽ nhanh chóng giãn nở khơi thông dòng máu nghẽn, điều enzym plasmin tới đánh tan cục máu đông. Người trẻ có thể chỉ mất vài phút đến vài giờ để xử lý cơn thiếu máu não thoáng qua, triệu chứng xây xẩm và tê bì nhanh chóng biến mất.

Tuy nhiên, khả năng chữa lành sau 50 tuổi không được như vậy. Mạch máu ngày càng hẹp lại do mảng xơ vữa bám vào lòng mạch, xơ cứng kém đàn hồi. Enzym plasmin làm tan cục máu đông cũng sản sinh ít đi theo tốc độ lão hóa ngũ tạng. Các cục máu đông nhỏ men theo mạch máu sâu bên trong não đến động mạch lớn, chúng tích tụ lại thành cục máu đông lớn hơn chặn hoàn toàn dòng máu đến nuôi dưỡng. Cuối cùng, gây ra cơn đột quỵ cấp hủy hoại não bộ trong 24h.

Sau 55 tuổi, xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân sẽ xuất hiện dày đặc hơn. Và cứ mỗi 10 năm trôi đi, nguy cơ đột quỵ lại tăng gấp đôi. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), 100.000 dân chỉ có 1-3 người dưới 35 tuổi thiếu máu não thoáng qua, song có tới tận 2.715 trường hợp trên 55 tuổi gặp phải cơn bệnh này.

Nếu chúng ta thường xuyên hút thuốc lá, rượu bia nhiều, béo phì, ít vận động, đường huyết cao, ô nhiễm môi trường, khói bụi, hóa chất, thức ăn độc hại, stress… thì sẽ làm tỷ lệ đột quỵ ngày càng gia tăng và đến nhanh.

AHA cũng nghiên cứu 808 bệnh nhân tại 10 bệnh viện cho thấy, 60% cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ kéo dài dưới 1h, 71% dưới 2h và 14% hơn 6h, chủ yếu ở người từ 50 tuổi trở lên.

Triệu chứng xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân càng diễn ra lâu hoặc thường xuyên, nguy cơ đột quỵ càng lớn. Song điều đáng tiếc là nhận thức cộng đồng về triệu chứng cảnh báo đột quỵ sớm còn hạn chế.

Sau tuổi 50, làm cách nào để đột quỵ không đến gần?

Sau tuổi 50, “xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân” là tín hiệu cảnh báo mà cơ thể phát đi thay cho lời cầu cứu. Nếu bạn bỗng gặp những dấu hiệu này, bác sĩ khuyên cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám trước khi quá muộn.

Sau 50 tuổi, hệ mạch máu bước vào giai đoạn lão hóa nên cần thay đổi càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ cao, rất cao thành thấp. Dự phòng và xử lý sớm có thể làm giảm 80% nguy cơ trở nặng thành đột quỵ. Còn bỏ qua dấu hiệu này, bạn khiến những cơn đột quỵ đến gần hơn.

Đột quỵ được xử lý tái thông mạch máu bằng thuốc hoặc dụng cụ. Còn dự phòng bằng sản phẩm chứa enzym Nattokinase ngăn ngừa cục máu đông, Men gạo đỏ Red Rice từ thiên nhiên để phòng ngừa đột quỵ.

– Hoạt chất nattokinase sinh ra trong quá trình lên men đậu tương bằng lợi khuẩn Bacillus Natto, chứa đến 275 amino và 28.000 nguyên tử, được nhiều nghiên cứu trên thế giới công nhận có khả năng hỗ trợ làm tan sợi tơ huyết (firbin) và cục máu đông cứu nguy cho người nguy cơ đột quỵ cao.

– Men gạo đỏ (Red Rice) thu được từ quá trình lên men gạo trắng với loài nấm Monascus có sắc tố đỏ. Theo Đại học Y Harvard, men gạo đỏ chứa các hợp chất monacolin, có tác dụng hỗ trợ kìm hãm hoạt động của loại men gan HMG-CoA reductase chuyên kích thích tạo ra cholesterol xấu và triglycerid có hại cho tim mạch. Đồng thời, hỗ trợ ngăn ngừa xơ vữa động mạch và gia tăng công dụng phòng đột quỵ (1).

Tại Nhật Bản, các sản phẩm “2 trong 1” chứa cả men gạo đỏ hỗ trợ giảm cholesterol máu và hoạt chất nattokinase hỗ trợ làm tan cục máu đông rất được người trên 50 tuổi nước này ưa chuộng. Trong nước, bộ sản phẩm của DHG pharma được tin dùng 9 năm qua hiện là bộ sản phẩm đầu tiên đến nay được JNKA cấp dấu chứng nhận đảm bảo cho đạt tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản.

Người từ 50 tuổi trở lên nên sử dụng hàng ngày để làm tan các sợi tơ huyết quấn dính bất thường, làm tan và ngăn ngừa cục máu đông hình thành.

Người từ 50 tuổi trở lên nên chú ý các nguy cơ để phòng đột quỵ

Còn người bỗng xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân có thể dùng ngay để tăng tốc phản ứng sinh hóa làm tiêu sợi huyết, rút ngắn thời gian phân hủy cục máu đông, cứu nguy mạch máu não.

https://suckhoedoisong.vn/

Khắc phục tình trạng hở mi mắt

Suckhoedoisong.vn – Mi mắt đóng vai trò rất quan trọng đối với tính thẩm mỹ và hoạt động chức năng của đôi mắt. Hở mi mắt là tình trạng mắt không được bảo vệ hoàn toàn bởi hoạt động nhắm, mở của mi mắt. Nguy cơ hở mi mắt nếu không được phát hiện và điều trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực của người bệnh.

Nguyên nhân hở mi mắt

Các trường hợp hở mi mắt có nhiều nguyên nhân khác nhau như: liệt dây thần kinh vận động nhắm mở mắt, cơ mặt bị tổn thương, hoặc do ảnh hưởng chấn thương sọ não…; Các nguyên nhân khác có thể là do một số bệnh về mắt như lồi mắt, tổn thương vùng mắt, hay thậm chí là có khối u…; Rối loạn giấc ngủ, teo hay liệt vận động cơ mặt cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hở mi mắt; Một vài trường hợp khác được cho là có nguyên nhân di truyền khi trong nhà có nhiều người cùng bị. Và tùy vào các trường hợp mà biểu hiện bệnh có thể là hiện tượng mở mắt to hay nhỏ khi ngủ; Nguyên nhân hay gặp là sau phẫu thuật thẩm mỹ, cắt da thừa, lấy mỡ mắt… thường hay gặp ở mi dưới.

Hở mi mắt khiến bệnh nhân không nhắm được kín mắt.

Hở mi mắt khiến bệnh nhân không nhắm được kín mắt.

Làm sao để phát hiện?

Người bị hở mi mắt có dấu hiệu không nhắm mắt được kín khi đã chủ động nhắm mắt hoặc vô thức khi đang ngủ. Đánh giá khả năng nhắm kín mắt khi được yêu cầu nhắm là nghiệm pháp bắt buộc khi khám chức năng của dây thần kinh số VII (dây thần kinh mặt). Khi đó bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ mắt sẽ yêu cầu bệnh nhân nhắm 2 mắt như đi ngủ hoặc nhắm chặt mắt chủ động.

Ở đời thường, một số người có thể phát hiện ra bất thường này mà không phải là bác sĩ. Họ chính là vợ chồng, người thân của bệnh nhân. Quan sát thân nhân của mình đang ngủ, họ thấy đã trong tình trạng ngủ say mà mắt vẫn mở hoặc khép hờ, không kín được như mắt bên kia.

Biến chứng hở mi mắt

Vì là bệnh lý nên trạng thái này về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mắt. Cấu tạo đặc biệt của mắt là cần phải được cung cấp nước liên tục nhờ hoạt động chớp mắt. Cụ thể, khi mắt nhắm hoặc chớp sẽ giúp cung cấp nước cho mắt, nước sẽ được bôi đều trên giác mạc, kết mạc phía trước nhãn cầu, giúp cho đôi mắt sẽ không bị mỏi, khô.

Khi bị hở mi mắt – nghĩa là không có hiện tượng chớp – cũng có thể diễn ra tình trạng mắt lâu dần bị khô, mờ đục hoặc loét giác mạc. Điều đó đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến thị lực.

Cũng đã có không ít trường hợp không nhắm mắt khi ngủ nên bụi bẩn đã rơi vào khiến mắt bị đau, nhiễm trùng mắt, viêm kết mạc, giác mạc…

Một trong các nguyên nhân của hiện tượng ngủ mở mắt là do tê, liệt dây thần kinh số 3, là dây thân kinh mặt điều khiển hoạt động chớp, nhắm mở của mí mắt.

Khi có triệu chứng bệnh cần đi khám để phát hiện và điều trị sớm.

Khi có triệu chứng bệnh cần đi khám để phát hiện và điều trị sớm.

Chữa trị hở mi mắt

Để điều trị hở mi, bệnh nhân cần đến các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa mắt. Chi phí chữa bệnh tùy theo mức độ nặng nhẹ của hở mi.

Bệnh này có thể điều trị khỏi bằng phương pháp châm cứu, kích thích vào các huyệt vị của dây thần kinh này, giúp nó hoạt động bình thường trở lại.

Trong khi chưa được điều trị bằng phẫu thuật, nên đeo kính để hạn chế các kích thích tại mắt. Thường xuyên tra mắt bằng các dung dịch nước muối sinh lý (natriclorua 9%o) hoặc nước mắt nhân tạo. Khi ngủ có thể dùng các mỡ kháng sinh hoặc các gel nhỏ mắt như liposic, corneregel giữ ẩm phần mắt bị hở.

Đối với tình trạng mi mắt bị hở thì biện pháp khắc phục đem lại hiệu quả cao là phẫu thuật. Tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Vì vậy nên lựa chọn các địa chỉ uy tín để hạn chế rủi ro. Sau khi phẫu thuật bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ chăm sóc thích hợp. Nên thực hiện vệ sinh mắt sạch sẽ và bảo vệ mắt chu đáo để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng.

Một số biện pháp tình thế, tạm thời được chuyên khoa mắt áp dụng đó là: Băng che hoặc dùng khiên chắn mắt (eye shield) vào ban đêm giúp mắt được che kín, tránh khô mắt và viêm loét do hở mi; Tra gel hoặc mỡ nước mắt nhân tạo, kháng sinh tạo một lớp bảo vệ trên bề mặt nhãn cầu, làm ẩm mắt và chống bay hơi nước mắt. Phẫu thuật khâu cò mi một phần hoặc toàn bộ cũng là một thủ thuật hay làm giúp mi nhắm kín, bảo vệ được nhãn cầu nhưng không phải là biện pháp điều trị lâu dài và triệt để.

https://suckhoedoisong.vn/

Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa

Suckhoedoisong.vn – Chồng tôi ăn uống điều độ, vậy mà vừa rồi bị xuất huyết tiêu hóa. Xin hỏi bác sĩ, xuất huyết tiêu hóa do những nguyên nhân nào gây ra?

Đỗ Hảo (Hòa Bình)

Có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa (XHTH), trong đó nguyên nhân trực tiếp liên quan đến các tổn thương của dạ dày, tá tràng như loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày, viêm cấp chảy máu dạ dày do dùng thuốc, viêm trợt ở dạ dày – tá tràng, polyp dạ dày – tá tràng, thoát vị lỗ thực quản cơ hoành, u thần kinh ở dạ dày, u cơ trơn, lao dạ dày hoặc giang mai dạ dày.

Nguyên nhân XHTH do bệnh lý ngoài ống tiêu hóa gồm: Tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan, viêm tắc tĩnh mạch trên gan, viêm tắc tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch lách…; chảy máu đường mật ở những bệnh nhân bị bệnh sỏi mật, viêm loét đường mật…

Bệnh căn của XHTH khá phức tạp. Người ta chia làm hai loại: thủng động mạch và chảy máu các mao mạch. Có thể xuất huyết do kết quả của sự phá hủy thành mạch, do hiện tượng viêm chảy máu cấp hoặc do sự xói mòn ở ổ loét, hoặc do chấn thương có tính chất cơ học tác động trực tiếp lên ổ loét gây chảy máu hoặc do giãn vỡ các mạch máu…

Chồng bạn đã bị xuất huyết tiêu hóa 1 lần thì cần đề phòng, có thể bị lại. Tốt nhất nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để thăm khám, tìm ra nguyên nhân cụ thể và được bác sĩ tư vấn ứng phó với bệnh.

https://suckhoedoisong.vn/

Suy tuyến giáp: Thủ phạm giấu mặt gây hiếm muộn

Suckhoedoisong.vn – Nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản bị hiếm muộn mà nguyên nhân xuất phát từ bệnh ở tuyến giáp. Bệnh tuyến giáp không được chẩn đoán và không được điều trị có thể là một nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn hoặc sẩy thai thường xuyên ở phụ nữ.

Thế nào là suy tuyến giáp?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể, nằm phía trước cổ, trọng lượng khoảng 10-20g, hình dạng như con bướm. Tuyến giáp tuy là tuyến nhỏ (sản xuất hormon) nhưng nó tác động lớn đến sức khỏe tổng thể của con người. Tuyến giáp tiết các hormon thyroxin (T4) và triiodothyronine (T3), nhận ảnh hưởng điều hòa của hormon TSH từ tuyến yên trên não. T4/T3 có chức năng điều hòa nhiều chuyển hóa trong cơ thể. Thyroxin có tác dụng tăng cường quá trình trao đổi chất; kích thích hoạt động của tim, tăng cường sự co bóp; tác động đến hoạt động của các tuyến sinh dục và tuyến sữa; tăng cường quá trình tạo nhiệt, làm tăng đường huyết. Kích thích sự phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh… Hơn nữa, các hormon tuyến giáp còn có tác dụng kích thích sinh trưởng và phát dục, vì thế nó có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Khi tuyến giáp hoạt động không tốt sẽ gây ra tình trạng nhược năng tuyến giáp (suy giảm chức năng tuyến giáp) hoặc cường tuyến giáp (tuyến giáp hoạt động quá mạnh).

Suy giảm chức năng tuyến giáp (suy tuyến giáp) là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ các kích thích tố quan trọng nhất định, không đủ để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Suy tuyến giáp là tình trạng bệnh rất thông thường, xảy ra ở nữ hơn nam và tỉ lệ gia tăng với tuổi.

Siêu âm giúp chẩn đoán các bệnh lý tuyến giáp chính xác.

Siêu âm giúp chẩn đoán các bệnh lý tuyến giáp chính xác.

Các triệu chứng khi bị suy tuyến giáp

Các triệu chứng của suy giảm chức năng tuyến giáp thường không rõ ràng. Một số bệnh nhân không có triệu chứng cụ thể, trong khi những người khác có một số triệu chứng rõ rệt. Các triệu chứng thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt nội tiết tố và tốc độ phát triển của bệnh.

Người bị suy tuyến giáp thường có triệu chứng mệt mỏi, táo bón, da khô và thường cảm thấy buồn ngủ, chân sưng phù, đau nhức cơ khớp, không chịu được thời tiết lạnh… Ở phụ nữ có dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt bất thường. Da và tóc có thể trở nên khô, tóc cứng hoặc rụng tóc, móng tay bị giòn… Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, có thể có bọng quanh mắt, nhịp tim chậm đi, giảm thân nhiệt và suy tim.

Suy tuyến giáp ảnh hưởng khả năng sinh sản

Người bệnh suy giáp không biết rằng mình đang phải đối mặt với nhiều bệnh khác. Bệnh suy giáp không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản của ở nữ.

Đối với phụ nữ, có một mối liên hệ giữa suy tuyến giáp và vô sinh hiếm muộn. Mức độ hormon tuyến giáp thấp có thể cản trở sự rụng trứng, làm suy yếu khả năng sinh sản của người phụ nữ. Tuyến giáp ảnh hưởng đến khả năng sản xuất progesterone của buồng trứng, khi chức năng tuyến giáp kém, progesterone được sản xuất ít hơn, dẫn đến các triệu chứng tiền kinh nguyệt… Những phụ nữ mắc các triệu chứng tiền kinh nguyệt (trầm cảm, kích thích, lo âu, căng vú, đầy bụng hay đau bụng, đau đầu, căng tứ chi…) thường có chức năng tuyến giáp kém hơn so với những người khác.

Ngoài ra, progesterone đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị nội mạc tử cung cho trứng thụ tinh. Khi progesterone bị thiếu, trứng sẽ khó thụ tinh với tinh trùng hơn nên sẽ tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi gặp các triệu chứng trên, đặc biệt khi nhiều triệu chứng xuất hiện cùng lúc, cần đi khám bệnh, làm các xét nghiệm thăm dò, kiểm tra hormon tuyến giáp ngay lập tức. Suy tuyến giáp được điều trị bằng việc uống thyroxin tổng hợp. Liều lượng thuốc phụ thuộc vào tuổi tác của bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của suy giáp, sức khỏe người bệnh. Thường xuyên kiểm tra mức độ TSH khoảng 6-8 tuần sau khi bắt đầu dùng hormon tuyến giáp và thực hiện các điều chỉnh cần thiết.

Để bảo vệ tuyến giáp vì một cuộc sống khỏe mạnh, chức năng sinh sản tốt, cần đảm bảo bữa ăn cân bằng và đầy đủ dưỡng chất, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn, tránh tăng, giảm cân đột ngột, stress, mệt mỏi kéo dài…

https://suckhoedoisong.vn/

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan theo đường hô hấp, hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu và chưa có thuốc đặc trị.

Tuy vậy, vẫn có thể phòng ngừa. Mọi người dân không được chủ quan nhưng không nên quá hoang mang, lo lắng.
Lần đầu tiên virus Corona mới  được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc,  Trung Quốc nên được gọi là “Virus Vũ Hán”, được ký hiệu là 2019-nCoV hoặc nCoV. Trên báo chí quốc tế, người ta thường dùng chữ “coronavirus” như một danh từ chung để chỉ loại virus mới này.
Hiện nay, chưa rõ nCoV xuất hiện từ đâu, nhưng các loại coronavirus như vậy thường bắt nguồn từ động vật (vật chủ). Những ca bệnh đầu tiên nhiễm nCoV có liên quan chợ buôn bán động vật ở Vũ Hán. Vì vậy, các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của nCoV. Virus Corona là một betacoronavirus – một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Chủng corona virus chính là chủng của các loại virus gây ra các bệnh đường hô hấp như dịch SARS (2003) hay Hội chứng Hô hấp cấp Trung Đông (MERS) năm 2012. Phân tích cây di truyền của virus này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của nCoV.
      Đường lây truyền bệnh
Đường lây truyền bệnh nCoV ban đầu xuất hiện từ động vật mang mầm bệnh nCov lây truyền cho con người, nhưng sau đó lại có khả năng lây lan từ người sang người. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Bệnh lây theo đường hô hấp nên nCoV có thể lây qua không khí bởi các giọt nước bọt nhỏ li ti do người bệnh hoặc người đang mang mầm bệnh bắn ra bởi khi họ nói, ho, cười, hắt hơi hoặc lây qua dụng cụ bị lây nhiễm nCoV.
Đối tượng dễ bị lây nhiễm nCoV trước hết là những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc người khám chữa, chăm sóc hoặc thăm nuôi người bệnh nhiễm nCoV hay người đang sống trong vùng dịch, người đi từ vùng dịch trở về hoặc những người đã và đang chung sống, tiếp xúc với người từ vùng dịch trở về mà trong người đã bị nhiễm nCoV. Ngoài ra, những người đi cùng phương tiện giao thông (ôtô, máy bay, tàu hỏa…) với người mang mầm bệnh nCoV hoặc những người làm việc ở các cảng hàng không, ga tàu hỏa, ga tàu điện ngầm, bến xe có tiếp xúc với người mang mầm bệnh nCoV đi qua cũng dễ bị lây nhiễm.
      Triệu chứng điển hình khi nhiễm nCoV
Thời kỳ ủ bệnh của nCoV khoảng 14 ngày, sau đó bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình là sốt, ho, khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 – 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi bệnh khởi phát, bệnh có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, tuổi cao, suy giảm miễn dịch (mắc bệnh AIDS, người đang dùng thuốc điều trị ung thư…) thì khả năng bệnh dễ tiến triển nặng.
Bởi vì căn nguyên gây viêm phổi là do virus cho nên không có loại kháng sinh nào có tác dụng diệt virus. Cách tốt nhất vẫn là nhập viện theo dõi.
      Nguyên tắc phòng bệnh
Để phòng bệnh, cần phòng từ xa, nghĩa là những người về nước từ vùng dịch, nhất là Trung Quốc, đặc biệt từ thành phố Vũ Hán cần phải khai báo cho cơ quan chức năng ngay từ khi đặt chân đến nước ta và phải cách ly, theo dõi sức khỏe của họ thật nghiêm ngặt. Tại các địa điểm tiếp đón khách đến hoặc về nước cần kiểm tra thân nhiệt ngay từ sân bay, nhà ga, bến xe, bến tàu…, nếu có nghi ngờ, cần cách ly và theo dõi thật nghiêm ngặt. Những người tiếp xúc với người từ nước ngoài có dịch bệnh nCoV về nước cần đeo khẩu trang. Gia đình, làng xóm có người từ nước đang bị dịch bệnh nCoV về nước cần hạn chế tiếp xúc với họ và nếu phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Đặc biệt, những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Đối với các gia đình, trường học, nhất là các lớp mẫu giáo, nhà trẻ, lớp bán trú cần vệ sinh sàn nhà, dụng cụ, đồ chơi, tay vịn cầu thang bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn và rửa tay bằng xà phòng hàng ngày. Với mọi người, cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Khi ho, hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, cần bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ. Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Khi phát hiện dịch bệnh, cần thông tin cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lây lan.