Xuất hiện các ca bệnh thủy đậu tại đại bàn huyện Krông Nô

Ông Hồ Khắc Sừng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Nô (TTYT) cho biết, trên địa bàn huyện vừa xuất hiện 08 ca bệnh thủy đậu trong cùng thời điểm. Ngay khi ghi nhận ca bệnh, đơn vị đã lập tức tiến hành các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế tình trạng lây lan trong cộng đồng đồng thời nhanh chóng dập tắt dịch bệnh.

7/8 trường hợp xác định mắc bệnh thủy đậu đều sinh năm 2014 và là học sinh lớp lá 1 trường Mầm non Hồng Hà thuộc xã Đăk Nang (Krông Nô), 01 bệnh nhân còn lại sinh năm 2012 có nhà ở cách  trường học bán kính 100m. Các ca bệnh đều khởi phát trong các ngày  từ 29/6 – 02/7 với các triệu chứng như sốt, đau đầu, nổi mụn có bọng nước rải rác trên mặt, toàn thân, mụn đỏ, ngứa…

Ngay sau khi xác định ca bệnh, TTYT Krông Nô đã tiến hành điều tra, giám sát, khoanh vùng ổ dịch, tiến hành cách ly bệnh nhân trong từ 7-10 ngày đồng thời tổ chức phun hóa chất khử khuẩn trường học và nhà ở các bệnh nhân.  Ngành Y tế địa phương phối hợp chặt chẽ cùng nhà trường thực hiện dọn dẹp vệ sinh, lau chùi lớp học cùng đồ chơi và các vật dụng dạy học khác. Riêng với gia đình những người bị bệnh, cán bộ y tế hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, vệ sinh đồ dùng, quần áo, vật dụng cá nhân hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Được biết, các hoạt động giám sát, khử khuẩn khu vực ổ dịch được TTYT thực hiện liên tục trong vòng 10 ngày kể từ ngày ghi nhận ca bệnh.

Minh Hiếu

TTYT Kông Nô: Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các trường hợp liên quan đến ca bệnh dương tính

Cùng với nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu xuất hiện tại địa bàn, ngày 15/6, Trung tâm Y tế Krông Nô (TTYT) tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu (Td) cho 133/158 đối tượng là cán bộ, học viên Nhà May mắn – Trung tâm bảo trợ xã hội.

Theo kế hoạch, ngày 17/6, đơn vị tiếp tục tiêm cho 84 trường hợp là những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính và các học viên của Nhà May mắn chưa tiêm hoặc tiêm chưa thành công trong đợt đầu (15/6).

Tình hình bệnh bạch hầu tại địa bàn huyện Krông Nô về cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp vì số người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân dương tính nhiều. Hiện ngành Y tế nói chung, TTYT Krông Nô nói riêng vẫn đang tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tính đến ngày 15/6, toàn huyện Krông Nô ghi nhận 04 ca dương tính với bạch hầu. Các bệnh nhân hiện có sức khỏe ổn định và đang được điều trị, theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế.

Trần Thị Xinh – TTYT Krông Nô

Khống chế thành công dịch bệnh Bạch hầu tại huyện Krông Nô

Ngay sau khi ghi nhận các ca bệnh bạch hầu xuất hiện tại địa bàn huyện Krông Nô, ngành Y tế tỉnh Đăk Nông đã nhanh chóng tiến hành đồng loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đến nay, 04 trường hợp mắc bệnh đã và đang được điều trị, chăm sóc tích cực, sức khỏe dần ổn định. Công tác phát hiện, khoanh vùng và điều trị dự phòng tiếp tục được ngành Y tế triển khai quyết liệt. Về cơ bản, tình hình dịch bệnh đã được khống chế, các hoạt động phòng, chống bệnh được triển khai kịp thời và hiệu quả.

Lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại TTYT huyện Krông Nô

Phát hiện sớm ca bệnh

Ca dương tính với Bạch hầu đầu tiên được phát hiện tại Nhà May Mắn -Trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH), thuộc thôn Đức Lập, xã Đắk Sor, huyện Krông Nô. Bệnh nhân là học viên đang theo học tại đây, khởi đầu bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, đau, loét vùng họng, có giả mạc trắng ở ổ loét. Mẫu xét nghiệm của bệnh nhân được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và cho kết quả dương tính với Bạch hầu vào ngày 7/6. Đến ngày 12/6, ngành Y tế phát hiện thêm 03 ca dương tính với Bạch hầu. Tổng cộng, có 04 trường hợp mắc bệnh bạch hầu được xác định và có liên quan đến nhau, bao gồm 03 học viên tại  Nhà May Mắn-TTBTXH và 01 người thân của một trong ba học viên mắc bệnh nói trên.

Ông Đặng Thành – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Sau khi nhận được thông tin nghi ngờ ca bệnh, đơn vị chúng tôi lập tức triển khai hoạt động điều tra, giám sát, kịp thời phản ứng với tình hình nên đã nhanh chóng phát hiện ca bệnh đầu tiên và các trường hợp mắc bệnh tiếp theo, từ đó đề ra phương án tổ chức có hiệu quả các hoạt động phòng, chống và điều trị dự phòng. Có thể nói, việc phát hiện sớm ca bệnh là yếu tố đầu tiên giúp ngành Y tế khống chế dịch đạt kết quả cao”.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Các triệu chứng của bệnh thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường. Do đó, việc phát hiện, xác định sớm ca bệnh có ý nghĩa quan trọng, giúp khống chế không để ca bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Hiện tại, cả 04 trường hợp nhiễm bệnh đều đang được theo dõi, điều trị chặt chẽ. 02 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên, 02 người còn lại đang điều trị tại TTYT Krông Nô. Tình trạng sức khỏe của cả 04 bệnh nhân đều ổn định, không ghi nhận yếu tố nguy hiểm đến tính mạng.     

Triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch

Kể từ ngày 7/6 (ngày phát hiện ca dương tính đầu tiên) đến ngày 12/6, chỉ trong vòng 6 ngày, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời, ngành Y tế cũng như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh bạch hầu tại địa bàn huyện Krông Nô.

Đội phản ứng nhanh của Trung tâm KSBT bám sát địa bàn, xác minh và chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó tập trung vào công tác điều tra, giám sát, xác minh, qua đó  lấy 144 mẫu bệnh phẩm từ những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức phun hóa chất 100% khuôn viên Nhà May Mắn – TTBTXH. Đối với các gia đình có con em theo học tại Nhà May Mắn trở về nhà vào dịp cuối tuần cũng được ngành Y tế địa phương tiến hành phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà ở.

Để hạn chế mức độ lây lan, Trung tâm KSBT đã tiến hành điều trị dự phòng cho 435 người, bao gồm cán bộ, học viên TTBTXH Nhà May Mắn và những người đã tiếp xúc gần với các bệnh nhân. Trung tâm cũng nhanh chóng giải quyết đủ cơ số thuốc để cấp phục vụ công tác điều trị dự phòng cùng 240 liều vắc xin Td (vắc xin phòng bệnh Uốn ván -Bạch hầu dành cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên và người lớn) để tiêm phòng, chống bệnh Bạch hầu.

Công tác thông tin, tuyên truyền được cơ quan hữu quan triển khai mạnh mẽ nhằm cung cấp đến người dân tình hình dịch bệnh, các dấu hiệu nhận biết cũng như các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Hàng trăm tờ rơi, áp phích có nội dung về phòng, chống bệnh bạch hầu được cán bộ y tế cấp phát đến tay người dân. Hệ thống loa đài từ huyện đến xã, thôn/bon thường xuyên phát sóng các thông điệp tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống bệnh.

Bệnh nhân bạch hầu đang điều trị tại TTYT huyện Krông Nô

Kiểm soát và khống chế thành công dịch bệnh

Với những giải pháp nhanh chóng, quyết liệt của ngành Y tế nói chung, Trung tâm KSBT nói riêng, đến thời điểm này, công tác phòng chống dịch bệnh Bạch hầu tại huyện Krông Nô đã đạt hiệu quả. Tình hình ca bệnh được khống chế, các đối tượng có nguy cơ đều được lấy mẫu xét nghiệm; các ca bệnh dương tính đều được điều trị, theo dõi chặt chẽ, tình hình sức khỏe đảm bảo, ổn định; các đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh được quản lý và áp dụng các biện pháp điều trị dự phòng.

Hiện hoạt động giám sát, phát hiện vẫn đang tiếp tục được thực hiện nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất số ca bệnh xảy ra đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh bạch hầu./.

Phun khử khuẩn phương tiện ra vào Trung tâm bảo trợ xã hội

Minh Nhạn

Tập huấn hướng dẫn giám sát phòng chống và điều trị bệnh bạch hầu

Trước diễn biến dịch bệnh Bạch hầu xảy ra tại địa bàn huyện Krông Nô, sáng ngày 13/06, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn Hướng dẫn giám sát phòng chống và điều trị bệnh Bạch hầu cho 50 cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Krông Nô, huyện Cư Jut và Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May mắn.

Quang cảnh lớp tập huấn

Tại buổi tập huấn, các học viên được truyền đạt các nội dung chủ yếu như: Tổng quan về bệnh Bạch hầu tại Việt Nam và địa bàn tỉnh Đăk Nông; đặc điểm của bệnh Bạch hầu; đặc điểm dịch tễ học; các biện pháp phòng chống, chẩn đoán và điều trị; …

Qua lớp tập huấn, cán bộ viên chức, nhân viên y tế cơ cở đã được cập nhật, nâng cao kiến thức kỹ năng giám sát và chẩn đoán điều trị bệnh Bạch hầu, thực hành tốt các biện pháp phòng bệnh, chống lây nhiễm, hạn chế phát tán ra cộng đồng, bảo vệ sức khỏe bản thân và người bệnh.

Kim Vĩnh-TTYT Krông Nô